Cái giá của hạnh phúc

'Cái giá của hạnh phúc' - phim 18+ mắc lỗi kịch bản

"Cái giá của hạnh phúc" - phim 18+ có Thái Hòa đóng người chồng ngoại tình - nhiều lỗ hổng trong kịch bản, diễn xuất thiếu đồng đều.

* Bài tiết lộ một phần nội dung phim

Tác phẩm là một trong những phim Việt mở màn cuộc đua phòng vé dịp 30/4-1/5. Thuộc thể loại tâm lý gia đình, phim gây chú ý khi đánh dấu sự trở lại của Thái Hòa với vai chính, sau một năm đạt nhiều giải thưởng điện ảnh.

Phim nội dung về ngoại tình trong hôn nhân - đề tài quen thuộc của loạt phim truyền hình Việt gần đây. 

Câu chuyện xoay quanh tổ ấm của vợ chồng doanh nhân Đinh Công Thoại (Thái Hòa) và Võ Thùy Dương (Xuân Lan). Bề ngoài, họ có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc, được nhiều người ngưỡng mộ. Bà Dương là phụ nữ kiểu mẫu khi hết lòng vì chồng con, thường được mời trò chuyện trong các talkshow về gia đình. Thoại là giám đốc điều hành một tập đoàn lớn với tương lai xán lạn, sắp thay bố vợ (Hữu Châu) làm chủ tịch. Họ có hai người con ở tuổi trưởng thành, con trai Will (Lâm Thanh Nhã) vừa tổ chức đám cưới với bạn gái.

Tuy nhiên, hôn nhân vỡ mộng khi bà Dương khi chứng kiến chồng có quan hệ ngoài luồng. Thuê người điều tra, Dương phát hiện chồng còn qua lại với nhiều cô gái khác. Bà Dương nỗ lực tìm hiểu ngọn ngành, mong thuyết phục chồng quay lại tổ ấm, dù con gái Nina (Uyển Ân) khuyên ly hôn.

Với 115 phút, phim tạo cảm giác dông dài do nhịp chậm, thiếu cao trào. Ở phim điện ảnh đầu tay, đạo diễn Ngọc Lâm chọn cách dồn bất ngờ (plot twist) vào 5 phút cuối phim, dành thời lượng trước đó để cài cắm các tình tiết. Tuy nhiên, điều này làm giảm sức hút của tác phẩm khi phần lớn câu chuyện được giới thiệu thông qua trailer.

Quá trình xây dựng đường dây kịch bản mắc nhiều lỗi logic. Sự kiện đầu phim, mở màn cho loạt sóng gió trong gia đình bà Dương là khi nhân vật phát hiện chồng ngoại tình với con dâu ngay trong đêm tân hôn của con trai. Theo nhiều khán giả, chi tiết này còn mang tính khiên cưỡng. Dương Bình Nguyên - tác giả của nhiều đầu sách văn học - cho rằng phân cảnh này là một trong những "sạn" lớn của phim vì thiếu logic về mặt tâm lý nhân vật. "Câu chuyện trả thù của nữ chính nhiều lúc gây mệt mỏi mà không tạo ra sự thúc đẩy cao trào", Bình Nguyên nhận xét.

Lời thoại của nhiều nhân vật đôi chỗ không phù hợp diễn biến kịch bản. Chẳng hạn, Thoại một mực trách vợ khiến ông luôn ngột ngạt trong chính căn nhà của mình nên mới ngoại tình, nhưng những gì ông làm chứng tỏ tính cách trăng hoa đã là bản chất. Will giận mẹ vì khiến cuộc sống anh tù túng, nhưng xuyên suốt phim, bà Dương được xây dựng là người hết lòng vì gia đình, chưa có hành động nào như chồng con bà đổ lỗi.

Đạo diễn lạm dụng nhiều yếu tố bi kịch theo hình thức melodrama (kịch tâm lý) để lấy nước mắt người xem. Bên cạnh câu chuyện chính về hôn nhân của Dương, mối tình của Will và bạn trai là tuyến phụ, được lồng ghép để gửi thông điệp sống thật với cộng đồng LGBT. Dù vậy, các phân đoạn về đôi nhân vật này bị khai thác theo môtíp với nhiều cảnh khóc sướt mướt, chưa thuyết phục để người xem tin vào chuyện tình trong phim.

Diễn xuất thiếu đồng đều là điểm yếu của tác phẩm. Nina là vai kế tiếp của Uyển Ân - em gái Trấn Thành - sau nhân vật Bình Minh trong Mai, ra rạp dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, sự tham gia của diễn viên 25 tuổi còn nhạt nhòa, chủ yếu góp mặt trong cảnh Nina khuyên giải, động viên mẹ ly hôn. Lối diễn của Lâm Thanh Nhã ở nhiều cảnh mang đậm màu sân khấu, cách thoại thiếu tự nhiên. Xuân Phúc - một vlogger điện ảnh ở TP HCM - nhận xét: "Tôi cảm giác diễn viên chưa thực sự hiểu nhân vật, chỉ khóc, cười theo yêu cầu của đạo diễn".

So với nhiều phim Việt gần đây, thủ pháp điện ảnh của tác phẩm còn khá cũ. Ở một cảnh cuối phim, khi bà Dương đập vỡ loạt hình gia đình, đốt bức ảnh kỷ niệm, nhiều khán giả nhận xét lối quay còn mang phong cách video ca nhạc của thập niên 2000. Khâu kỹ xảo ở nhiều chỗ thiếu đầu tư, chẳng hạn ảnh ông Thoại chụp cùng nhân tình lộ rõ khuôn mặt Thái Hòa được photoshop, ghép vào diễn viên đóng chung.

Trên một diễn đàn phim ảnh hơn 200 nghìn thành viên, nhiều người xem đánh giá Thái Hòa là điểm sáng nổi bật của tác phẩm. Xem suất tối 18/4, diễn viên Huy Khánh nhận xét đàn anh hóa thân thành công vào nhân vật, nhất là ở 5 phút cuối phim, khiến khán giả tin vào sự ám ảnh tội lỗi của ông Thoại. Xuân Lan cũng có màn thể hiện tròn trịa vì được dành trọn "đất" diễn, từ một người vợ nhẫn nhịn khi chứng kiến chồng ngoại tình đến lúc lập kế hoạch trả thù. Sau hai ngày ra mắt, phim đạt 12 tỷ đồng, dẫn đầu phòng vé trong nước dịp cuối tuần, theo Box Office Vietnam.

https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/cai-gia-cua-hanh-phuc-698


TRẢ LỜI XUÂN LAN 

Vì Xuân Lan viết phản hồi lại bài viết của tôi và cho rằng tôi “không hiểu phim” và “ác ý”, tôi sẽ trả lời cô ấy một số ý để chia sẻ quan điểm của tôi về bộ phim Cái giá của hạnh phúc (CGCHP) với một vài chi tiết trong phim mà tôi cho rằng phản cảm và khá nghiêm trọng về mặt nhận thức đạo đức. 

Mong mọi người hiểu rằng đây không phải là một bài combat. Tôi chỉ muốn chỉ ra cho Xuân Lan thấy những hạn chế kịch bản trong bộ phim của mình và đó là nguyên nhân lớn nhất khiến bộ phim có cái kết không như cô ấy mong muốn tại rạp chiếu. 

Tôi mua vé xem CGCHP cùng vớ B4S vào ngày chiếu sớm trong dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương tuần trước. 

Xem hai phim Việt non vụng trong một buổi chiều thực ra là một sự chịu đựng của tôi trong ngày nghỉ lễ, và tôi đã định không lên tiếng gì rồi. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại và thấy cần phải lên tiếng. Để lên tiếng, tôi chọn sự thẳng thắn trực diện nói thẳng vào vấn đề. Để công bằng, tôi sẽ bình luận cả hai phim và chỉ ra điểm hạn chế cốt tử khiến hai phim này thua tại phòng vé. Mục đích của tôi không phải dìm ai cả, đơn giản là đang muốn phản biện các nhà làm phim và giúp họ nhìn thấy được các vấn đề của họ qua bộ phim. 

Hôm qua trong sự kiện chiếu lại Dòng máu anh hùng bùng nổ về mặt cảm xúc (tôi sẽ chia sẻ sau), anh Charlie có nói một ý rất hay rằng, điều quan trọng nhất của một nhà làm phim là giúp khán giả tin vào những điều mà họ kể trên màn ảnh. Tin rồi mới yêu được và yêu rồi sẽ yêu dài lâu. DMAH với tôi là một bộ phim như vậy.

CGCHP không làm tôi tin, trong phần lớn câu chuyện của bộ phim. Điều này như tôi đã nói trong bài trước, nó đến từ một kịch bản có quá nhiều điểm non yếu và thậm chí phản cảm vì… ham giật drama quá. 

Khi bạn chưa đủ nội lực, lại càng bày biện ra nhiều drama để vừa cảnh báo dạy dỗ tiểu tam vừa truyền thông điệp hạnh phúc tích cực, nhà làm phim sẽ phải gánh còng lưng. Và đúng như thế, bộ phim càng lúc càng sa vào sự non yếu, gồng gượng, phi logic rất mệt mỏi của những drama giăng ra với rất nhiều nước mắt của nhân vật người vợ, người mẹ thượng lưu do Xuân Lan đóng. Ở đây tôi phải dành lời khen cho Xuân Lan vì cô đóng khá tốt các phân đoạn cảm xúc và là một vai khá nặng về tâm lý. Nhưng ưu điểm diễn xuất của cô không thể cứu được cái điểm yếu chí tử của phim: kịch bản.

Và vì thế, nó kết lại bằng một đoạn kết… đi vào lòng đất khiến tôi sững sờ. Để trả thù gã chồng dâm đãng và khốn nạn của mình (vai diễn khiến tôi thất vọng của anh Thái Hoà), nhân vật bà Thuỳ Dương của Xuân Lan giăng ra một cái bẫy để khiến gã chồng phải trả giá. Người đàn bà đang trên hành trình sửa sai lầm sau khi nhận ra cái giá của hạnh phúc và đang dần từ tỉnh thức lại phạm vào một cái sai nghiệm trọng của nhận thức và thậm chí là cả đạo đức. Bà ta sắp đặt nhờ mối quan hệ với một anh bầu sô hoa hậu kiêm thám tử để đưa một cô gái trẻ xinh đẹp lên làm hoa hậu. Cái sai đó chưa nghiêm trọng bằng cái sai sau: bà ta sử dụng mồi nhử là cô hoa hậu mới đăng quang gài bẫy lão chồng và sau đó về sống với gã như vợ chồng trong một căn biệt thự hạng sang. Thế rồi cả ba người phụ nữ gài mưu giăng bẫy gã chồng đốn mạt 

Thoại khiến hắn phải sốc chấn động bằng một hành động tự xử máu me khá bạo lực và diễn xuất tội nghiệp của anh Thái Hoà. Xem đến đó tôi nhủ nhầm, một thằng khốn nạn như thế mà nó dễ sốc như thế thì nó đã không khốn nạn như thế

Tôi tự hỏi, tại sao một người phụ nữ trên hành trình tỉnh thức lại đi mua giải và vi phạm đạo đức, vi phạm nhân quyền và quyền phụ nữ? Tại sao lại phải dùng thân xác của một đứa con gái mới lớn để trả thù chồng mình? Và cho dù cô ta có muốn đi nữa để trả thù (lý do qua một đoạn flashback dễ dãi), bà cũng phải ngăn lại nếu bà còn lương tri. Tại sao lại dùng thân xác của một cô gái trẻ tổn thương để trả thù một người đàn ông hèn hạ và bắt cô ấy phải chịu đựng nỗi đau đó?

Tôi không muốn nói và phân tích những điều này trong bài đầu là bởi vì tôi còn nhẹ tay và nghĩ cho Xuân Lan. Nhưng cô ấy bảo tôi không hiểu và hiểu sai, thì tôi đành phải phân tích cho cô biết tôi hiểu như thế nào. 

Bài này, như đã nói, không phải combat. Tôi chỉ giúp Xuân Lan hiểu ra cô đang gặp những vấn đề gì trong bộ phim của mình.

FB Lê Hồng Lâm


ĐÁNG TIẾC CHO THÁI HOÀ, HỮU CHÂU VÀ CÂU HỎI CHO CỤC ĐIỆN ẢNH?

Sau khi xem xong bộ phim “Cái giá của Hạnh phúc”, điều đầu tiên tôi nghĩ đến tại sao Cục điện ảnh (Bộ VHTT&DL) cấp phép, dưới góc độ luật sư - tôi cho rằng bộ phim có nội dung như vậy được cấp phép là trái luật. Điều thứ hai  - tôi rất đáng tiếc cho Thái Hoà và anh Hữu Châu (nghệ sĩ gạo cội) lại có thể nhận lời đóng bộ phim với nội dung thế này (do Người mẫu Xuân Lan đầu tư sản xuất).

Do cái tên phim nên trước khi quyết định xem giải trí, tôi nghĩ rằng nội dung sẽ truyền tải thông điệp “gia đình để có hạnh phúc sẽ trải qua nhiều sóng gió, bi kịch…vv”. Tuy nhiên, thực sự thất vọng và điều lạnh sống lưng chính là câu chuyện những người đàn bà như vợ cũ, vợ mới là bà Dương (Xuân Lan đóng) của Thoại (do Thái Hoà đóng) cùng cấu kết với một đứa trẻ mới lớn (vai bồ nhí của Thoại) để trả thù Thoại bằng cách dựng lên câu chuyện, tạo ra bi kịch Thoại quan hệ với con ruột (vợ cũ) có thai và sau khi phát hiện Thoại đã dùng vỏ chai đập vào bộ hạ của mình toé má!.u rồi bị điên. Thực ra Thoại không có quan hệ với con ruột (vợ trước) mà bị đưa vào bẫy và ngộ nhận có quan hệ với đứa trẻ mới lớn vào vai bồ của Thoại là để trả thù cho bạn vì tự tử chết do cặp bồ với Thoại và bị bà Dương dùng thủ đoạn chiều trò chia cắt!

Kết quả của Thoại nhận được là sự hả hê, hạnh phúc của vợ cũ, vợ mới, của cha vợ (Hữu Châu đóng). 

Ghê rợn hơn là khi người cha của mình bị vậy thì hai đứa con ruột với vợ sau (do em gái Trấn Thành đóng) của Thoại hả hê, vui mừng, hạnh phúc khôn tả khi chứng kiến cha mình bị điên loạn

Tôi ghê rợn và kinh tởm với thủ đoạn của bộ phim đan xen đặt câu hỏi là tại sao Thái Hoà, diễn viên gạo cội Hữu Châu lại nhận lời đóng bộ phim với nội dung ghê rợn, trái đạo đức đến như vậy? Đặc biệt, qua báo chí người mẫu Xuân Lan nói rằng ban đầu mời Thái Hoà không nhận lời nhưng sau khi đọc kịch bản thì anh ấy đồng ý. Có thật sự như vậy không?!

Đặc biệt, Cục điện ảnh lại cấp phép cho bộ phim với nội dung dùng các thủ đoạn hận thù, trả thù tin với thủ đoạn bỉ ổi, trái đạo đức thuần phong mỹ tục và tạo nên hệ luỵ ghê rợn cho giới trẻ?! 

Chắc chắn giữa cuộc đời này nhiều gia đình gặp bi kịch, ải nạn khủng khiếp nhưng để vượt qua và hướng đến hạnh phúc phải có trí, có tấm lòng bao dung chứ không phải tìm kiếm hạnh phúc bởi những suy nghĩ, hành động thù hận một cách trái luật, trái đạo đức...vv. Phải hiểu điều đó may ra mới có được HẠNH PHÚC đích thực!

P/S: Tôi đã cân nhắc, suy nghĩ lui suy nghĩ lại có viết nên bài này không, bởi 2 lý do:

- Có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, thiệt hại cho nhà sản xuất và có khi nào nhà làm phim muốn truyền tải thông điệp gì khác mà tôi chưa thể nhận ra?

- Nếu không lên tiếng thì những người xem họ có nhận ra tác hại của bộ phim khi lan truyền sự hận thù, trả thù một cách tàn độc với thủ đoạn bỉ ổi hay sự ngộ nhận rằng “muốn có hạnh phúc phải trả thù, hận thù…” sẽ lan ra trên thực tế đời thực không?

Cuối cùng, tôi quyết định viết và hi vọng những diễn viên cùng nhà đầu tư bộ phim này đón nhận vô tư để các phim sau được tốt hơn! 

Sài Gòn, 28/4/2024

FB LS Lê Ngọc Luân ❤


Xuân Lan tranh luận cùng nhà phê bình chê phim của chồng cô

Xuân Lan đã có tranh luận trái chiều cùng nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm quanh bài đăng về phim "Cái giá của hạnh phúc" do Nguyễn Ngọc Lâm đạo diễn, nữ siêu mẫu tham gia diễn và kiêm vai trò nhà sản xuất

Cái giá của hạnh phúc là bộ phim đầu tay của Nguyễn Ngọc Lâm. Vợ của nam đạo diễn, người mẫu Xuân Lan, đóng vai trò nhà sản xuất.  Với tên tuổi Thái Hòa, phim thu hút được khán giả giai đoạn đầu và vươn lên dẫn đầu phòng vé Việt tính theo ngày ở thời điểm ra rạp từ ngày 19/4.

Đến nay, theo thống kê từ Box Office Vietnam - trang thống kê phòng vé Việt độc lập, sai số nhỏ, phim Cái giá của hạnh phúc chỉ đạt được hơn 22,6 tỉ đồng. Hiện phim vẫn tru rạp nhưng số suất chiếu không nhiều. 

Giữa lúc Xuân Lan đang cầu cứu khán giả vì doanh thu tăng chậm, việc nhà phê bình Lê Hồng Lâm đánh giá thấp nội dung phim khiến hai bên tranh cãi.

Cô cho rằng những bình luận ác ý của nhà phê bình phim đã kéo theo hệ lụy không nhỏ đến phim. Cô chất vấn: "Em thật sự xem phim "Cái giá của hạnh phúc" chưa? Hay là em xem mà không thể hiểu?".

"Lê Hồng Lâm là người có sức ảnh hưởng trong giới phê bình phim. Khen hay chê là chuyện bình thường. 

Những bình luận ác ý đã kéo theo hệ lụy không nhỏ đến phim. Đáng lẽ những người có chuyên môn như em phải có góc nhìn khách quan để giúp những người làm phim tử tế phát triển", Xuân Lan đáp trả.

Nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm đã có bài đăng đáp trả, lý giải những tình tiết mà theo anh là có vấn đề trong kịch bản phim. 

"Tại sao người phụ nữ trên hành trình thức tỉnh lại đi mua giải hoa hậu, vi phạm đạo đức, nhân quyền và quyền phụ nữ. Tại sao dùng thân xác cô gái mới lớn để trả thù, và nếu cô ta có muốn thì nhân vật người vợ phải cản lại nếu còn lương tri. Tôi không muốn nói những điều này ban đầu vì tôi nhẹ tay với Xuân Lan. Nhưng vì cô ấy bảo tôi không hiểu nên phải phân tích", Lê Hồng Lâm chia sẻ.

Sau bài đáp trả của Lê Hồng Lâm, Xuân Lan tiếp tục phản hồi, đại ý cho rằng ban đầu nhà phê bình không thiện chí, cố ý dùng từ phản cảm để "đập búa" Cái giá của hạnh phúc.

Về việc kịch bản bị cho là phi lý, Xuân Lan cho rằng Lê Hồng Lâm "nên hiểu điều cơ bản của kịch bản là cần có tình huống hư cấu tăng kịch tính".

"Chúng tôi không làm phim phóng sự tài liệu nên không cần phải thực tế và hợp lý như đời. Nhưng chắc bạn chưa trải đời, đau khổ nhiều nên chưa chứng kiến đời này có tình huống khốc liệt hơn", Xuân Lan nói.

Trước khi có sự tranh luận này, phim cũng đã nhận được ý kiến trái chiều trên nhiều diễn đàn, các trang thông tin về phim.  Một số cho rằng phim nhiều kịch tính, cuốn hút, diễn xuất của Thái Hòa tốt. Một số khác chỉ ra lỗi kịch bản với những điểm phi lý, chưa thuyết phục khán giả.

Dẫu sao, chuyện hoàn vốn là vô cùng khó với tác phẩm điện ảnh đầu tay của vợ chồng siêu mẫu Xuân Lan bởi phim Lật mặt 7: Một điều ước đang bội thu với gần 79 tỉ đồng. Ngoài ra, những phim nước ngoài như Vây hãm: kẻ trừng phạt, Mèo mập mang 10 mạng… cũng đang được nhiều khán giả chọn lựa thưởng thức trong mùa lễ năm nay.

https://2sao.vn/xuan-lan-doi-chat-cung-nha-phe-binh-che-phim-cua-chong-co-n-379391.html

*****

Xuân Lan cầu cứu

Xuân Lan nói cô không ngủ được vì lo phim mình sản xuất bị lỗ. Nữ người mẫu cầu cứu khán giả ra rạp xem "Cái giá của hạnh phúc" để có cơ hội tiếp tục làm phim.

Vừa qua, Xuân Lan lên tiếng cầu cứu, mong khán giả ra rạp xem Cái giá của hạnh phúc. Sau một tuần ra rạp, doanh thu bộ phim được cho là "cứu tinh" của phim Việt tháng 4 sau chuỗi thất bại của Quý cô thừa kế, Đóa hoa mong manh đang chững lại.

"Tôi buồn lo và cố hết sức để không xuống tinh thần. Tôi không thể ngủ, thấy ngày dài vô tận và bí bách vì phim chưa bán vé được như kỳ vọng", Xuân Lan than thở.

Nữ người mẫu nói khi khán giả chậm ra rạp trong tuần đầu, các rạp phim đánh giá Cái giá của hạnh phúc không tạo hiệu ứng phòng vé và có động thái giảm suất chiếu. Điều đó khiến phim khó hòa vốn.

"Tôi dồn hết tâm huyết, công sức để làm phim, không có nhiều tiền phủ sóng truyền thông ồ ạt. Tôi mong khán giả thương và ủng hộ bằng cách mua vé xem ngay, chứ để dành từ từ thì phim đã trôi xuống xa rồi", cô cầu cứu.

Xuân Lan nhắc đến phim của Lý Hải trong bài cầu cứu. Cô cho rằng Lật mặt là thương hiệu ăn khách từ nhiều năm trước. Cô chủ động dời lịch, cố gắng để phim mình sản xuất tiếp cận khán giả.

"Tôi biết sức nóng của Lật mặt, phim tôi đứng sau là đương nhiên. Nhưng tôi thật sự lo vì có thêm phim ngoại tham gia đường đua phim chiếu rạp dịp lễ. Tôi rất mong phim Việt được ủng hộ để còn cơ hội làm phim tiếp", Xuân Lan chia sẻ thêm.

Ra rạp ngày 19/4, Cái giá của hạnh phúc trở thành điểm sáng của phim Việt tháng 4. Tác phẩm có Thái Hòa đóng chính gây chú ý khi đứng đầu doanh thu phòng vé trong ngày, vượt cả Godzilla x Kong: Đế chế mới và Thanh xuân 18x2: Lữ trình hướng về em.

Với bảo chứng phòng vé Thái Hòa, phim nhanh chóng thu 20 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp, tính đến ngày 24/4, theo số liệu của Box Office Vietnam. 

Nhưng đến khi Lật mặt 7 có suất chiếu sớm, sau đó là bộ phim Hàn Vây hãm: Kẻ trừng phạt xuất hiện, doanh thu Cái giá của hạnh phúc chững lại. Đến ngày 27/4, tác phẩm chỉ thu thêm khoảng 2 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu phim lên 22,3 tỷ đồng.

Tính đến tối 27/4, phim của Xuân Lan bị đẩy xuống vị trí thứ tư, đứng sau Lật mặt 7: Một điều ước cùng hai bộ phim ngoại là Vây hãm: Kẻ trừng phạt và Mèo mập mang 10 mạng.

Trong ngày 27/4, phim bán được 5.923 vé/548 suất chiếu, doanh thu là 602,2 triệu đồng. So với Lật mặt 7 (phim đang đứng đầu với 4.324 suất, doanh thu 22,7 tỷ đồng/ngày), suất chiếu phim của Xuân Lan thua gấp 9 lần.

Từ vị trí top một phòng vé, Cái giá của hạnh phúc đang bị giảm số suất chiếu, nhường cơ hội kiếm tiền cho loạt phim khác.

"Bây giờ tôi chỉ biết cầu nguyện, mong kỳ tích đến ở những ngày lễ. Tôi không có chiêu trò và cũng không giỏi chiêu trò. Tôi mong điều tử tế được đáp lại bằng những điều tử tế", Xuân Lan chia sẻ thêm.

Không chỉ cầu cứu khán giả, Xuân Lan đang gây tranh luận khi đối đầu nhà phê bình Lê Hồng Lâm vì anh chê phim của cô.

*****

Doanh số Cái Giá Của Hạnh Phúc (29/4/2024)

23,125,671,537₫

https://boxofficevietnam.com/movie/cai-gia-cua-hanh-phuc/


Doanh số Lật Mặt 7: Một Điều Ước (29/4/2024)

98,288,917,703₫

https://boxofficevietnam.com/movie/lat-mat-7-mot-dieu-uoc/

Tóm tắt :

  • Bộ phim Cái giá của hạnh phúc bị chỉ trích vì những sai sót logic và lỗ hổng trong kịch bản/cốt truyện.
  • Câu chuyện dựa trên những câu chuyện sáo rỗng về chuyện ngoại tình trong các chương trình/phim truyền hình Việt Nam gần đây.
  • Cốt truyện tập trung vào gia đình tưởng chừng như hoàn hảo của một doanh nhân giàu có nhưng lại lừa dối vợ mình.
  • Phim dài quá 115 phút do nhịp độ chậm và thiếu những điểm nhấn kịch tính. Phần lớn cốt truyện được hé lộ trong trailer.
  • Lời thoại và lời thoại của nhân vật đôi khi không phù hợp với diễn biến cốt truyện một cách đáng tin cậy.
  • Việc sử dụng quá nhiều tình tiết kịch tính, bi kịch nhằm khơi gợi những giọt nước mắt của người xem nhưng không thuyết phục.
  • Một cảnh bị chỉ trích là cảnh người vợ phát hiện chồng mình ngoại tình với cô dâu mới của con trai trong đêm tân hôn, được cho là gượng ép và thiếu logic tâm lý.
  • Thái Hòa được khen ngợi nhờ diễn xuất thuyết phục trong vai người chồng lừa dối mang mặc cảm tội lỗi.
  • Xuân Lan còn thể hiện tốt vai người vợ đau khổ tìm cách trả thù.
  • Những vai phụ như cô con gái thiếu chiều sâu và quá phụ thuộc vào những cảnh khóc.
  • Phim cố gắng gửi thông điệp về các mối quan hệ LGBT nhưng lại xử lý nó một cách sáo rỗng.
  • Các vấn đề về nhịp độ phát sinh do dành quá nhiều thời gian cho việc thiết lập thay vì cao trào.
  • Đạo diễn đã chọn những tình tiết kịch tính nhất vào 5 phút cuối.
  • Chất lượng diễn xuất không đồng đều, một số màn diễn như cậu con trai có vẻ quá sân khấu.
  • Kỹ thuật quay phim và hiệu ứng đã lỗi thời, đôi khi giống như một video ca nhạc những năm 2000.
  • Kỹ thuật quay phim thiếu sự đầu tư với việc sử dụng photoshop rõ ràng trong các cảnh quay.
  • Buổi ra mắt đạo diễn cho thấy sự thiếu kinh nghiệm với một số hành động phi thực tế của nhân vật.
  • Phim là phim Việt có doanh thu cao nhất trong tuần đầu công chiếu nhưng vẫn vấp phải nhiều chỉ trích.


Những bài học được rút ra:

1. Tầm quan trọng của kịch bản tốt trong việc tạo nên một bộ phim thành công. Kịch bản yếu với nhiều lỗi logic và phi lý có thể làm hỏng cả bộ phim dù có diễn viên tên tuổi và đầu tư lớn.

2. Cần tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, pháp luật trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nội dung của bộ phim bị chỉ trích là vi phạm đạo đức, quyền con người khi lợi dụng và làm tổn thương người khác để trả thù.

3. Tầm quan trọng của đánh giá phê bình khách quan đối với sự phát triển của điện ảnh. Những nhận xét mang tính chất phê phán cần được đón nhận một cách cầu thị để cải thiện.

4. Khó khăn trong việc đạt được thành công tại phòng vé với một bộ phim mới, đặc biệt khi phải cạnh tranh với các tác phẩm nổi tiếng, có thương hiệu.

5. Sự cần thiết phải dành đủ nguồn lực cho chiến lược marketing, truyền thông, PR, kế hoạch phát hành phim đúng thời điểm, các quảng bá giúp tiếp cận khán giả, tạo hiệu ứng lan tỏa cần thiết.

6. Cần sự kiên nhẫn, nỗ lực bền bỉ và tiếp thu ý kiến phản hồi để không ngừng cải thiện chất lượng trong lĩnh vực sáng tạo điện ảnh.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn